Xơ gan là gì?
Một trong những chứng bệnh phổ biến nhất ở gan là xơ gan, do nguyên nhân chính từ bia rượu, nhiễm độc gan và virus. Nếu không điều trị sớm, xơ gan có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây xơ gan
Về bản chất, xơ gan là tình trạng gan bị viêm, tổn thương và hình thành các mô sẹo. Các tế bào sẹo và tế bào gan mới tạo nên cấu trúc rối loạn, khiến cho chức năng gan suy giảm rõ rệt. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan được các nhà khoa học liệt kê như sau:
- Lạm dụng hóa chất (như rượu, chất béo và một số loại thuốc).
- Cơ thể bị nhiễm một số loại vi rút.
- Gan bị đầu độc bởi các kim loại độc hại (như sắt và đồng tích tụ trong gan do bệnh di truyền) .
- Bệnh gan tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công các tế bào gan.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của xơ gan
Những người bị xơ gan có thể không có hoặc có ít triệu chứng liên quan đến bệnh về gan. Do đó người bệnh rất chủ quan và không khám cũng như điều trị từ sớm. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh:
- Xét nghiệm cho kết quả nồng độ bilirubin trong máu cao, khiến da có màu vàng (vàng da).
- Người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, yếu.
- Ăn mất ngon, chán ăn.
- Thường xuyên bị ngứa, dễ bị bầm tím do giảm sản xuất các yếu tố đông máu.
Các giai đoạn của bệnh xơ gan
Xơ gan tự nó đã là giai đoạn muộn của tổn thương gan. Ở giai đoạn đầu của bệnh, gan sẽ tích đầy chất béo (gan nhiễm mỡ), sau đó có dấu hiệu viêm. Nếu ngay giai đoạn này, bệnh nhân không được điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến sẹo (xơ hóa). Nếu phát hiện bệnh sớm thì vẫn có thể điều trị được.
Nếu xơ gan không được điều trị, nó có thể dẫn đến xơ gan. Lúc này, các mô sẹo đã hình thành và không thể lành lại được, nhưng bác sĩ vẫn có thể kìm hãm sự phát triển của mô sẹo. Tuy nhiên, khi xơ gan đã biến chứng thì phương pháp điều trị duy nhất là ghép gan.
Những giai đoạn tiến triển của xơ gan:
- Xơ gan giai đoạn 1: liên quan đến một số vết sẹo của gan, nhưng ít triệu chứng. Giai đoạn này được coi là xơ gan bù, không có biến chứng.
- Xơ gan giai đoạn 2: bao gồm các biểu hiện như tăng huyết áp và giãn tĩnh mạch.
- Xơ gan giai đoạn 3: bụng bắp đầu trướng, mô sẹo ở gan phát triển nhanh hơn. Đây còn được gọi là xơ gan cổ trướng, với nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến suy gan.
- Xơ gan giai đoạn 4: bệnh đã đến giai đoạn cuối (ESLD), có thể gây tử vong nếu không được cấy ghép.
Cách chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Người bệnh xơ gan cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, kể cả khi đang ở trong bệnh viện và sau khi xuất viện. Do đó, người nhà cần chú ý những điều sau:
– Đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng:
- Người bệnh gan kém ăn, do đó cần chế biến hợp khẩu vị và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Lượng calo cần thiết khoảng từ 2.500 đến 3.000 kcalo/ngày (35-40 kcalo/kg/ngày).
- Cân bằng các chất dinh dưỡng: đạm (1,2-1,5g/kg/ngày), đường, vitamin, hạn chế mỡ, chỉ ăn nhạt nếu cơ thể có dấu hiệu phù nề.
- Tuyệt đối kiêng các chất kích thích, các chất cồn (bia rượu, cà phê, thuốc lá…).
- Nếu bệnh nhân bị xơ gan mất bù thì cần hạn chế đạm vì có nguy cơ hôn mê gan. Khi có dấu hiệu tiền hôn mê gan phải giảm lượng đạm trong khẩu phần thức ăn.
- Nếu bệnh nhân không ăn được lượng thức ăn đủ trong 1 bữa thì chia nhỏ bữa ăn ra thành nhiều bữa phụ trong ngày.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể, miệng, mũi, tay sạch để phòng ngừa nhiễm khuẩn và tạo cảm giác ăn ngon.
– Nếu có dấu hiệu phù và cổ trướng thì cần để bệnh nhân nghỉ ngơi, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
– Theo dõi sát nếu bệnh nhân xuất hiện các biến chứng chảy máu tiêu hóa, hôn mê gan.
Cách phòng ngừa bệnh xơ gan cho người khỏe mạnh
- Thực hiện tiêm phòng văcxin viêm gan B tại các cơ sở y tế cho trẻ em và những người lớn chưa bị bệnh.
- Duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không được lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.
- Tránh ăn thức ăn sống như gỏi cá, tiết canh…, nên ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh cơ thể, nơi ở thật sạch để không bị nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và an toàn để hạn chế nguy cơ nhiễm hóa chất, nhiễm độc kim loại…
- Không dùng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm. Nếu ở giai đoạn này có sự chuẩn bị kỹ càng thì sẽ hạn chế tối đa nguy cơ tiến triển xơ gan, ung thư gan.
- Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật…
Xơ gan là giai đoạn nghiêm trọng khi gan đã bị tổn thương và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Một lối sống lành mạnh, khỏe khoắn, tập thể dục thường xuyên và chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý là chìa khóa giúp bạn chống lại mọi bệnh tật, giữ cho cơ thể trẻ trung và hạn chế tối đa bệnh tật.